Các chiến sĩ PCCC tìm kiếm nạn nhân trong ngôi nhà kinh doanh bỉm sữa cháy rừng rực trong đêm khiến 4 người tử vong không bao giờ quên được khoảnh khắc ám ảnh trong vụ cháy ngày 4/4 vừa qua.

Các chiến sĩ cứu hỏa vào hiện trường cứu nạn đi đến đâu phun nước đến đó, vừa để tắt lửa, vừa để giảm nhiệt, trong lúc nhiệt độ trong nhà đang ở khoảng 800 - 1.000 độ C.

2 thi thể đầu tiên được tìm thấy không còn nguyên vẹn là người cha đã hơn 80 tuổi và con rể.

Chết cháy trong nhà ống-1

 

 

Mất nhiều thời gian và công sức, các chiến sĩ mới tìm kiếm được thi thể 2 mẹ con chị Hồng, người phụ nữ đang mang thai và con gái nhỏ 10 tuổi. "Lúc chúng tôi tìm thấy, hai mẹ con nằm ôm nhau, mặt cháu bé úp vào ngực mẹ", - Trung tá Nguyễn Minh Thành, Phó Trưởng Công an quận Đống Đa lặng người nhớ lại.

Những vụ cháy nhà ống không còn ai trong nhà sống sót khiến nhiều người sợ hãi.

Ngày 4/2, tại Hà Nội, 5 thanh niên hóa vàng cúng ông Táo, do bất cẩn, tro hóa vàng đã cháy âm ỉ, thiêu rụi cả nhà cướp đi mạng sống 4 người những ngày cận Tết.

Ngày 30/3, vụ cháy xảy ra tại TP Hồ Chí Minh làm 6 người ruột thịt trong gia đình tử vong.

Vụ cháy ngày 25/3 tại hẻm 45 đường Cao Lỗ, Q.8, TP. HCM làm chết 3 người.

Gần đây nhất, vụ cháy tại căn nhà kinh doanh đồ sơ sinh tại phố Tôn Đức Thắng làm chết 4 người.

Riêng tại Hà Nội, trong quý 1/2021, đã xảy ra 112 vụ trong đó có 3 vụ cháy lớn, 4 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 42 vụ cháy trung bình, 55 vụ cháy nhỏ. Thiệt hại do cháy gây ra làm 7 người chết, 13 người bị thương.

Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, trong quý I/2021, toàn quốc xảy ra 618 vụ cháy  trong đó có 573 vụ cháy dân sự, làm chết 16 người, bị thương 30 người.

Trong đó, theo cảnh sát, các vụ cháy tại khu vực dân cư, nhà ở kết hợp kinh doanh điển hình là dạng nhà ống gây hậu quả nghiêm trọng về người.

Cấp phép xây dựng nhà ống “bỏ quên” phòng cháy

Hầu hết người dân đô thị lớn đang ở trong nhà ống. Người dân xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị hiện nay phải xin cấp phép xây dựng tuy nhiên không mấy ai quan tâm đến lối thoát hiểm khi xảy ra cháy, dù thực tế đã có quá nhiều vụ cháy thương tâm khiến gia chủ không ai sống sót.

Lý do, theo Sở Xây dựng Hà Nội, quy định hiện nay chỉ có các công trình riêng lẻ làm khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích trên 5.000 m3 mới buộc phải có thiết kế phòng cháy, chữa cháy.

Nhà ống riêng lẻ không thuộc diện phải có thiết kế phòng cháy chữa cháy khi cấp phép xây dựng.Vậy nên, trong điều kiện tấc đất tấc vàng đô thị, người dân tận dụng tối đa từng cm2 đất để sử dụng, chẳng mấy ai để ý an toàn phòng cháy, cứu nạn khi xảy ra cháy.

Chết cháy trong nhà ống-2

 

 

Các quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy cũng có đủ từ Luật đến Nghị định, Thông tư, tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về phòng cháy chữa cháy. Thế nhưng, quy chuẩn về nhà riêng lẻ thì lại thiếu hoặc có thì khá chung chung. 

Trao đổi với PV, Thượng tá Đỗ Anh Quyến - Phó trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội -phụ trách phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn địa bàn quận nêu quan điểm: “Cá nhân tôi đề nghị các địa phương, đặc biệt là cơ quan cấp phép và quản lý xây dựng nên đưa vấn đề thoát nạn trong chữa cháy vào loại hình nhà ống.

Ví dụ, phải kiểm soát được việc người dân khi xây dựng công trình nhà ở phải có lối thoát hiểm. Trên địa bàn Hà Nội, rất nhiều công trình nhà ở của người dân trên tầng tum bịt kín hoặc trong quá trình sử dụng do điều kiện kinh tế eo hẹp nên người dân để hàng hóa dọc cầu thang cũng gây nguy hiểm cho việc thoát nạn và dễ lây lan cháy”.

Chính việc này đã gây ra thiệt hại rất lớn về người, như những vụ cháy gây ra hậu quả chết người thời gian vừa qua chủ yếu do không có lối thoát nạn, người dân thậm chí không thể chạy ra ban công kêu cứu.

Phó Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cũng cho rằng người dân làm như vậy bởi hiện chưa có chế tài xử phạt mà lực lượng PCCC chỉ mới dừng ở hình thức vận động tuyên truyền.

Công nghệ cảnh báo cháy sớm

KTS Trần Tuấn Anh - Tổng Giám đốc Công ty CP Nội thất TOP (Topdesign) cho rằng, với công trình nhà ở riêng lẻ mặt đất cần có nhiều cửa. Ngoài cửa sổ, lỗ thoáng để thông khí, cần tính đến thiết kế lối thoát hiểm khi có sự cố.

Để đảm bảo an toàn phòng cháy đối với nhà ở riêng lẻ, nhất là nhà ống, khi xây nhà cần bổ sung thêm lối thoát hiểm hoặc lối tiếp cận ở mặt tiền các tầng hoặc trên tầng tum, tầng mái. Với những lối thoát hiểm linh hoạt, khi cần ở bên trong có thể mở để thoát ra ngoài nhờ cứu hỏa hoặc thang dây sẽ giảm thấp nhất thiệt hại nếu có sự cố cháy nổ xảy ra.

Theo vị Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, để chống trộm, người dân có thể dùng khóa vân tay, khóa điện tử, trong trường hợp bị cắt điện, mất tinh thần, không tìm thấy chìa khóa thì có thể dùng vân tay mở cửa, hoặc thiết kế loại cửa ở trong mở ra được, người bên ngoài không mở vào được.

Chết cháy trong nhà ống-3

 

 

Một số nước, người dân thiết kế cầu thang sắt có lò xo ở mặt tiền, cầu thang này sẽ hạ xuống khi chủ nhà cần sử dụng và tự cuốn lên để chống trộm.

Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông minh 4.0 trong phòng chữa cháy là giải pháp hiệu quả để bảo vệ an toàn, giảm thiểu rủi ro đến tài sản và tính mạng người dân.

Công nghệ này giúp chủ nhà kịp thời phát hiện có cháy thông qua hệ thống cảnh báo cháy sớm. Thông báo cháy sẽ được phát đồng thời tới nhiều người thông qua tin nhắn, cuộc gọi tới điện thoại di động và app ứng dụng trên mobile.

Khi có cháy xảy ra ở bất kỳ phòng nào, đầu báo khói phát tín hiệu cảnh báo, thông tin báo cháy sẽ lập tức gửi đến điện thoại của chủ nhà và trung tâm thông tin chỉ huy của lực lượng phòng cháy chữa cháy gần nhất.

Mới đây, MobiFone Global công bố phát triển hệ thống báo cháy tự động kết nối không dây trên nền tảng di động 4G, 5G với cơ chế hoạt động khi có dấu hiệu cháy nổ xảy ra, lập tức cảnh báo bằng âm thanh trực tiếp ngay tại điểm giám sát, gửi thông tin cảnh báo tới hệ thống chỉ huy.

Đồng thời, hệ thống sẽ gửi SMS, gọi điện trực tiếp đến các số điện thoại được cài đặt ngay tại thời điểm xảy ra cảnh báo. Từ đó, cơ quan phòng cháy chữa cháy nhanh chóng xác định được vị trí của đám cháy trên bản đồ. Hệ thống sẽ chỉ dẫn đường đi, chỉ dẫn tài nguyên chữa cháy, thông báo cho các đơn vị liên quan như trung tâm y tế… để phối hợp thực hiện chữa cháy hiệu quả nhất.

Lê Dũng - Nguyễn Lê